- CS: từ 20kg/h đến 10.000kg/h
- Công ty có cung cấp máy nghiền vật liệu làm bằng INOX, phục vụ nghiền các sản phẩm dễ bị oxi hoá, nghiền tân dược, nghiền thuốc bắc,…
Lợi ích từ máy nghiền thức ăn chăn nuôi
Giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, giúp người dân chủ động trong chăn nuôi, phù hợp với mô hình kinh tế hộ… là lợi ích của máy nghiền thức ăn gia súc, gia cầm nhỏ. Bởi lý do đó mà nhiều hộ nuôi gà ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã đầu tư loại máy này nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thư, thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm lớn ở địa phương. Với quy mô đàn gà 3-4 nghìn con/lứa, nếu sử dụng 100% cám công nghiệp do các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, nhiều lứa không còn lãi, thậm chí lỗ vốn khi giá gà thương phẩm giảm hoặc giá thức ăn chăn nuôi tăng. Do vậy, khi bắt đầu chăn nuôi gà với quy mô lớn, anh Thư đã tự chế biến thức ăn chăn nuôi bằng các loại nông sản như: ngô, đỗ tương, thóc… thay vì sử dụng cám công nghiệp. Thời gian đầu, anh đi thuê nghiền các loại nông sản tại một số cơ sở xay xát trong khu vực. Tuy nhiên, việc vận chuyển này mất nhiều thời gian và công sức (có đợt ngày nào cũng phải đi nghiền), tiền công lại cao nên anh đã quyết định bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua máy nghiền thức ăn đặt tại nhà để chủ động chế biến thức ăn chăn nuôi. Từ khi có máy nghiền, toàn bộ thức ăn cho mấy nghìn con gà anh đều tự chế biến và hoà trộn với cám đậm đặc theo tỷ lệ nhất định để bảo đảm chất lượng. Anh Thư nói: “Tự chế biến thức ăn chăn nuôi giảm được khoảng 1 nghìn đồng/kg so với cám công nghiệp, lại không lo chất lượng không bảo đảm…”.
Nhiều hộ nuôi gà khác tại huyện Yên Thế cũng chủ động trang bị máy nghiền thức ăn chăn nuôi như gia đình anh Thư. Những năm gần đây, sự năng động của các thành phần kinh tế, nhất là người dân địa phương đã biến huyện miền núi Yên Thế trở thành địa phương có đàn gia cầm lớn nhất tỉnh. Theo tổng hợp của ngành chức năng, hơn 70% số hộ nông dân trong huyện chăn nuôi gà, đàn gia cầm toàn huyện hiện đã đạt gần 3,5 triệu con, tăng gần 3 lần so với năm 2005, đặc biệt số hộ nông dân nuôi gà thả đồi với quy mô hơn 1 nghìn con/lứa ngày càng nhiều. Nghề chăn nuôi gà đồi phát triển mạnh kéo theo nhu cầu lớn về thức ăn. Thế nhưng, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng đáng kể, chất lượng một số loại cám không bảo đảm làm giảm hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Do vậy, việc đầu tư máy nghiền thức ăn chăn nuôi được xem là một giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí “đầu vào”, nâng cao hiệu quả kinh tế nghề chăn nuôi gia cầm tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết ngay từ năm 2005, một số hộ chăn nuôi gà đồi quy mô lớn đã mua máy nghiền thức ăn chăn nuôi. Hai năm trở lại đây, hầu hết các hộ chăn nuôi gà quy mô 1 nghìn con/lứa đều mua máy nghiền thức ăn chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 400 máy nghiền thức ăn nhỏ, tập trung nhiều tại các xã: Tam Tiến, Tiến Thắng, Canh Nậu, Đồng Vương… Ưu điểm của loại máy này là mức đầu tư thấp. Mỗi máy giá chỉ từ 1,5 đến 4 triệu đồng. Hơn nữa, lại có nhiều chủng loại, công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng gia đình, sử dụng điện một pha và rất tiết kiệm điện. Chị Nguyễn Thị Yên, bản Đồng Chinh, xã Tam Tiến (Yên Thế) cho biết: “Gia đình tôi nuôi 2 nghìn con gà/lứa, hiện nay cả nghiền thức ăn cho gà và thắp sáng mỗi tháng chỉ hết hơn 100 nghìn tiền điện. Trước đây, đi thuê nghiền thức ăn chăn nuôi mỗi tháng tốn mấy trăm nghìn…”. Theo hạch toán, nếu một gia đình nuôi một lứa gà 1 nghìn con trong 4 tháng, sử dụng thức ăn tự chế biến sẽ tiết kiệm được khoảng 4-5 triệu đồng chi phí đầu vào so với dùng cám công nghiệp. Hơn nữa, lại không phụ thuộc vào các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay các cơ sở xay xát thuê.
Được biết, mới đây, UBND huyện Yên Thế đã có chính sách khuyến khích các hộ nông dân đầu tư loại máy này phục vụ chăn nuôi. Theo đó, các hộ mua máy mới sẽ được hỗ trợ 20% kinh phí. Chính sách này sẽ góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà đồi ở địa phương. (VL).